[A9]Zone™ THPT Bà Điểm
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
[A9]Zone™ THPT Bà Điểm


 
Trang ChínhTrang Chính  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng NhậpĐăng Nhập  Đăng kýĐăng ký  

FMvi-Group Bạn muốn yêu cầu ca khúc ? Click Click


Message :
Signature :
Background :
Forum 4ALL
  • Forum 4ALL

FMvi-Group Bạn muốn yêu cầu ca khúc ? Click Click

Share|

Cách chào hỏi của 1 số nước trên thế giới.

Xem chủ đề cũ hơn
Xem chủ đề mới hơn
Go down
Tác giảThông điệp
tournesols93
Mod
tournesols93
Mod
Posts : 183
Xu : 5590
Thanked : 4
Gia nhập : 09/10/2010
Level: Kinh nghiệm: 183%
Sinh mạnh: 183/100
Pháp lực: /100
 Cách chào hỏi của 1 số nước trên thế giới. Empty
Bài gửiTiêu đề: Cách chào hỏi của 1 số nước trên thế giới.  Cách chào hỏi của 1 số nước trên thế giới. EmptyThu Nov 11, 2010 6:59 pm

 Cách chào hỏi của 1 số nước trên thế giới. Ttt01110  Cách chào hỏi của 1 số nước trên thế giới. Tt03-310

Malaisia

Khi gặp và chào người khác, người Mã lai hơi cúi đầu, đưa một hoặc hai tay ra chạm vào một hoặc hai tay của người khác rồi đưa bàn tay lên ngực. Người Mã Lai không bắt tay người khác giới đồng thời tránh những đụng chạm kể cả ngẫu nhiên giữa những người không cùng giới. Khi tiếp xúc với người Mã Lai, bạn cần có một số lưu ý: Tránh không đụng chạm vào đầu người Mã Lai vì họ tin rằng đầu là nơi cư ngụ của linh hồn hay thần linh, nếu đụng chạm vào đó đồng nghĩa với việc bạn đã có hành động xúc phạm họ. Trước mặt người Mã lai, bạn không đứng chống hai tay vào hông (chống nạnh), vì đây là hành động biểu thị sự giận giữ. Khi ăn uống không dùng tay trái vì phong tục người Mã lai chỉ dùng tay phải để ăn uống. Đa số người dân Mã lai theo đạo Hồi vì vậy họ rất giữ nghiêm giáo quy. Họ không mời khách uống rượu mà chỉ mời trà, cà phê hoặc nước ngọt, họ kiêng ăn thịt lợn, thịt chó. Trong giao tiếp người Mã lai rất tuân thủ giờ giấc, coi trọng mũ áo chỉnh tề. Vì vậy nếu bạn có những cuộc hẹn với người Mã lai vì bất cứ mục đích gì thì tốt nhất là bạn nên đến thật đúng lúc.


Thái Lan

Thái Lan là quốc gia có diện tích rộng hơn Việt Nam (517.000km2) nhưng lại có dân số ít hơn (62 triệu người). Tín ngưỡng của người Thái là đạo phật (trên 85% dân số). Trong giao tiếp hàng ngày, người Thái có nhiều điểm mà bạn cần lưu ý, đó là: Chào người Thái theo cách chắp 2 tay trước ngực, đầu hơi cúi, khi bước vào nhà phải bỏ dày dép ra, đặc biệt khi bước vào nhà người Thái cần tránh dẫm lên ngưỡng cửa nhà họ vì người Thái cho rằng Thần linh cư ngụ ngay ở ngưỡng cửa. Người Thái cũng kiêng đụng chạm vào đầu của người khác, không xoa đầu trẻ em, không vỗ vai người khác. Người Thái cũng cho rằng, tỳ cánh tay lên lưng chiếc ghế đang ngồi hoặc vỗ vai hay vỗ lưng người khác hoặc dùng ngón tay để chỉ vào ai đó đều được coi là những cử chỉ xúc phạm. Người Thái cũng rất coi trọng sự kiềm chế trong tiếp xúc, vì vậy trong việc đàm phán với người Thái, điều kiêng kỵ nhất là hành động bức xúc hay tức giận.



Pháp

Hôn tay khi gặp nhau đã lỗi thời từ lâu, trừ khi các nhà chính trị muốn thu hút sự chú ý của dư luận. Khi gặp nhau chỉ chào hỏi bình thường, bắt tay nhẹ. Nếu thân quen thì có thể hôn nhẹ, tượng trưng thôi, lên gò má trái và phải của người phụ nữ. Nếu gặp nhau lần đầu tiên thì tuyệt nhiên không được phép làm việc đó.

Tự đẩy cửa bước vào nhà bị coi là không lịch sự. Chỉ bước vào nhà khi được chủ nhà ra mở cửa hoặc được yêu cầu tự mở cửa. Trong chào hỏi, làm quen và giao tiếp, việc tự công nhận đã mắc sai phạm được đánh giá cao, coi đó là phẩm hạnh tốt. Điều rất quan trọng là giữ thể hiện cho người khác, tránh xung khắc công khai.

Khi được mời, tuyệt đối không được phép từ chối. Nếu thật sự không có thời gian thì có thể thỏa thuận ăn nhẹ với nhau. Ở Pháp, bữa ăn vẫn là nơi và dịp đàm phán, thương thảo hợp đồng thuận tiện và được ưa chuộng.

Khi làm quen, nên trao đổi với người Pháp về các chủ đề văn hóa – xã hội, tránh các chủ đề chính trị nhạy cảm. Người Pháp rất thích nói và nói nhiều nên bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt nếu tỏ ra chăm chú lắng nghe. Tuyệt đối không được sử dụng ngôn từ hay tỏ điều gì để người Pháp có thể hiểu nhầm là lên mặt dạy họ.

Đàm phán

Đàm phán với người Pháp là chuyện rất khó khăn và khó lường trước được nên thường có chuẩn bị kỹ cũng ít tác dụng vì mọi khả năng đều có thể xảy ra. Nhiều khi kết quả chỉ đạt được vào phút cuối hay trong lúc chuyện riêng khi nghỉ giải lao.

Cách ăn tiệc

Ngay cả trong những bữa tiệc chính thức cũng không nhất thiết phải thắt cravat. Nhưng nam giới nhất thiết phải vận comple đồng bộ hoặc đờ mi. Cử chỉ lịch thiệp rất được để ý đến ở nước Pháp, đặc biệt đối với phụ nữ. Nam giới mở cửa mời phụ nữ bước vào và giúp phụ nữ khoác áo choàng. Khi ăn tiệc trong nhà hàng, phụ nữ được phục vụ trước, sau đó mới đến nam giới và chỉ sau khi tất cả đều đã được phục vụ đồ ăn hay đồ uống thì mới bắt đầu ăn hay uống.

Khi vào nhà hàng không được phăm phăm đi về phía chiếc bàn nào đó, mà nên chờ bồi bàn đến hỏi và hướng dẫn. Có thể không chấp nhận chiếc bàn do bồi bàn giới thiệu mà đề nghị chỗ ngồi khác.

Không dứt khoát phải có đồ ăn tráng miệng, nhưng có thì càng tốt. Đồ uống sau đó thường là cà phê hoặc chè. Khi đó mới được bắt đầu trao đổi về công việc, trước đó tuyệt đối không nên.

Nâng cốc chạm mạnh và nói to lời chúc thường bị coi là thiếu tinh tế. Chỉ nên nâng cốc, chìa ra làm hiệu chạm cốc với nhau thôi.

Trong bữa ăn làm việc thường dùng rượu vang, nhưng với mức độ vừa phải, nhiều khi chỉ một cốc. Sau món chính, cốc rượu vang thường được dọn đi.

Trả tiền

Khi mời nhau đi ăn ở Pháp thì một người trả tiền chứ không có chuyện người nào tự trả cho người nấy. Có để lại tiền típ – nhưng không vượt quá 10%. Ai mời thì trả tiền.

Quà tặng

Khi được mời riêng, nên mang theo hoa hoặc bánh kẹo ngon đến làm quà tặng cho bà chủ nhà. Bó hoa thường được bó và trang trí rất đẹp và nghệ thuật nên khi tặng cứ để nguyên.

Quần áo

Trong giấy mời thường ghi rất rõ yêu cầu về ăn vận quần áo cho phù hợp. Nếu ở đó ghi “Tenue de soirée” thì có nghĩa là yêu cầu ăn mặc lịch sự: comple thẫm màu, thắt cravat đối với nam giới và váy sang trọng đối với phụ nữ. Nếu ở đó ghi “Tenue de ville” thì có thể ăn vận đơn giản hơn, không nhất thiết phải có cravat.

Tính chính xác

Thời gian là khái niệm giãn nở ở Pháp. Ít khi các hoạt động bắt đầu đúng giờ


Ấn Độ

Đối tác người Ấn Độ của bạn nhiều khi xuất hiện với áo cộc tay và không thắt cravat. Nhưng người Ấn Độ lại mong chờ đối tác của họ ăn vận lịch sự.

Chào hỏi, làm quen

Thường lệ chỉ cần bắt tay khi chào hỏi, nhưng không quá chặt. Bắt tay quá chặt ở Ấn Độ bị coi là thiếu lịch sự. Không được chắp hai bàn tay lại như khấn vái để chào hỏi.

Những tiếp xúc đầu tiên thường chỉ là chuyện không đầu không cuối vì người Ấn Độ rất đa nghi và thường để ý ngay từ đầu để đánh giá đối tác có đáng tin cậy không. Họ thường nói chuyện về gia đình. Bạn đừng ngạc nhiên khi người Ấn Độ tìm hiểu tỷ mỷ về gia đình bạn, đã kết hôn chưa hoặc có phải đã ly hôn không, con tên là gì, vợ hoặc chồng năm nay bao nhiêu tuổi. Cho nên nhiều khi đem ảnh gia đình theo lại có tác dụng tốt cho bàn bạc chuyện làm ăn. Cricket bao giờ cũng là chủ đề thích hợp cho mọi dịp tiếp xúc với người Ấn Độ vì đó là môn thể thao rất được ưa chuộng ở nước này.

Đàm phán

Các cuộc đàm phán thường bắt đầu bằng những chuyện ngoài lề, uống chè hoặc cà phê ngọt, nhiều sữa. Sau đó là những cuộc đàm phán được chuẩn bị chi tiết như thể vở diễn trên sân khấu. Ban có thể thẳng thắn lập luận, vặn bẻ số liệu hay đề nghị mời chào của đối phương, nhưng không bao giờ được tỏ ra là mất bình tĩnh. Rất hiếm khi người Ấn Độ có chương trình nghị sự định sẵn cho cuộc đàm phán và điều quan trọng nhất bao giờ cũng được để ở cuối cùng. Đàm phán thường kéo dài và mất thời gian. Người Ấn Độ cho rằng nếu đạt kết quả nhanh thì việc đàm phán, thỏa thuận có gì đó không ổn.

Đồ uống

Đồ uống rất được ưa chuộng ở Ấn Độ, đặc biệt là bia, gin tonic và whisky. Người thuộc đẳng cấp cao nhiều khi không uống rượu. Trong bữa ăn không dùng đồ có rượu.

Ăn tiệc

Nhiều người Ấn Độ ăn bằng tay, nhưng chỉ khi ở nhà trong gia đình. Khi ăn tiệc với bạn hàng thì thường dùng dao, thìa, dĩa. Do có nhiều tôn giáo khác nhau nên cách thức chế biến món ăn ở Ấn Độ rất khác nhau. Đồ ăn chay và nước hoa quả thì ở chỗ nào cũng thích hợp.

Mời

Người Ấn Độ rất thân thiện và việc mời nhau đi dự tiệc riêng tư thường được coi là biểu hiện của mối quan hệ đối tác tốt đẹp. Bạn không đươc từ chối những lời mời như vậy. Bữa ăn thường rất muộn, sau các thủ tục và nghi lễ đón tiếp cầu kỳ và kéo dài, vì thế bạn không nên để bụng đói đến dự tiệc. Sau món tráng miệng là thời điểm phải cáo từ ra về, ở lại lâu hơn bị coi là thiếu lịch sự.

Quà tặng

Khi được cá nhân mời thì quà tặng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Người Ấn Độ đặc biệt thích và đánh giá cao những món quà có liên quan đến quê hương của người tặng quà. Bạn nên gửi kèm theo một danh thiếp hoặc bưu thiếp vì nhiều khi quà tặng không được mở trước mặt người tặng quà.

Trả lời

Không phải cứ trả lời “Vâng” có nghĩa là đồng ý. “Vâng” cũng có thể có nghĩa là “Tôi không biết”. Thậm chí nếu nói “vâng” với biểu hiện ngần ngại thì còn có thể bao hàm ý “Không”. Để tránh hiểu nhầm, bạn không nên đặt những câu hỏi để có thể trả lời hoặc phải trả lời với “Yes” hoặc “No”.

Phê phán

Không phải người Ấn Độ không chấp nhận bị phê phán mà họ chỉ không bao giờ phê phán trực diện thôi. Ai không hài lòng thì tốt hơn là nên hỏi đối tác xem có cách nào khác không. Từ chối hay bác bỏ thẳng thừng cũng bị coi là thiếu lịch sự - tương xứng gần bằng một cái bạt tai.

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ giao dịch là tiếng Anh. Nhưng ai biết được vài câu tiếng Hindi cũng sẽ gây được ấn tượng tốt ở miền Bắc, còn ở miền Nam nói tiếng Hindi sẽ phản tác dụng.

Quần áo

Đối tác người Ấn Độ của bạn nhiều khi xuất hiện với áo cộc tay và không thắt cravat. Nhưng người Ấn Độ lại mong chờ đối tác của họ ăn vận lịch sự. Chỉ có mùa hè là không vận comple. Nhưng bạn nên mang áo comple theo vì trong phòng làm việc của người Ấn Độ thường để nhiệt độ điều hòa rất thấp, khoảng 18 độ C để thể hiện đẳng cấp. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị cảm lạnh giữa mùa hè.

Trao các danh thiếp

Danh thiếp được trao trực tiếp khi chào hỏi, làm quen. Ban phải dùng tay phải để trao danh thiếp của bạn và nhận danh thiếp từ tay người Ấn Độ. Tay trái bị coi là “không sạch sẽ”. Chức danh trên danh thiếp rất quan trọng. Nếu trên đó không ghi ít nhất là “Phó Chủ tịch” hay “Giám đốc” thì thường không được coi trọng vì doanh nghiệp Ấn Độ được tổ chức theo trật tự quyền lực nghiêm ngặt, chức danh thấp hoàn toàn không có quyền quyết định.

Thời gian

Người Ấn Độ không phải không đúng giờ, nhưng chuyện đến muộn một tiếng đồng hồ là có thể xảy ra, đặc biệt khi biết đối tác muốn cái gì đấy ở họ. Dù vậy, bạn nên chỗ đến hẹn đúng giờ vì không đúng giờ vẫn bị coi là không lịch sự.

Trung Quốc

Chào hỏi

Không nên bắt tay chặt, mà lỏng tay hoặc nhẹ nhàng. Chào hỏi người có chức quyền cao nhất trước chứ không chào hỏi phụ nữ trước. Khi giới thiệu người khác với ai đó thì không bao giờ được phép dùng ngón tay trỏ chỉ về người đó, rất không lịch sự, tốt nhất là dùng cả bàn tay đã được ngả lòng ra rồi chỉ về phía người đó.

Làm quen

Khi gặp gỡ làm quen có thể hỏi những chuyện liên quan đến cá nhân như có vợ chồng chưa, mấy con, thậm chí cả về mức lương. Nếu được hỏi như vậy thì bạn không nên lảng tránh trả lời. Chủ đề trao đổi khi gặp gỡ làm quen nên là thể thao, tốt nhất là bóng đá, tuyệt đối không nên đề cập tới các chủ đề về chính trị, không nên có lời phê phán.

Đàm phán

Đàm phán với người Trung Quốc không đơn giản và thường kéo dài. Ban đầu thường là một bữa tiệc kéo dài mà trong đó không bàn về chuyện làm ăn mà để dành đến cuối bữa. Nếu không đi đến nhất trí thì bạn cũng đừng bực bội mà hãy cố vui vẻ và quả quyết là rất quan tâm tới việc đạt được sự nhất trí với nhau để hợp tác kinh doanh. Thường sau đó vài ngày sẽ có được chuyển biến tích cực.

Số 4

Người Trung Quốc kiêng số 4 vì trong tiếng Trung Quốc có thể hiểu là “chết”. Bạn không được tặng cái gì có liên quan đến con số này.

Trào danh thiếp

Bạn nhớ luôn mang danh thiếp theo, trao và nhận bằng cả hai tay, nhớ đọc danh thiếp nhận được rồi mới cất đi.

Ăn tiệc

Không được lấy đũa gõ vào bát bởi đó là hành vi của những kẻ ăn mày. Không bao giờ được cắm đũa vào bát cơm vì chỉ có cơm cúng người chết mới làm như vậy.

Khi ăn tiệc ở chỗ người Trung Quốc, bạn không nên ngại những tiếng động do ăn uống gây nên. Người Trung Quốc coi đó là dấu hiệu khách ăn ngon.

Khi được mời đến dự tiệc, người Trung Quốc thường lịch sự dụt dè, bạn phải thường xuyên mời họ ăn uống, rót đồ uống (rượu, bia) thường phải đầy cốc, nếu không có người phục vụ thì nam giới rót đồ uống cho phụ nữ, cấp trên rót cho cấp dưới.

Quà tặng

Tặng quà là thông lệ bình thường, có thể tặng hoa quả, bánh ngọt hay đồ uống có rượu, nhưng không được phép tặng đồng hồ vì “tặng đồng hồ” trong tiếng Trung Quốc cũng có nghĩa là “đi dự một đám tang”. Nếu được người Trung Quốc tặng quà thì không được mở gói quà trước mặt người tặng.

Ở khách sạn

Nên ở trong khách sạn từ hạng trung trở lên vì nhận biết đối tác thuộc đẳng cấp nào là chuyện rất quan trọng ở Trung Quốc. Câu hỏi rất hay gặp phải ở Trung Quốc là bạn ở khách sạn nào.

Quần áo

Khi giao dịch kinh doanh phải mặc sang trọng: đối với nam giới thì comple sẫm màu và cravat, không nên mặc quần bò thắt cravat, càng không nên màu sắc lòe loẹt. Đối với phụ nữ thì tùy theo tập tục nước mình. Thông thường là quần và áo vét sẫm màu.

Phê bình

Ở Trung Quốc, bạn không được phê trách thẳng thắn và công khai mà nên diễn giải theo cách khác, chẳng hạn như cộng sự hay nhân viên đó đã làm việc tốt, lần sau chắc chắn sẽ còn tốt hơn.

Hàn Quốc

Không nên kiệm lời khen đối với món kim chi; nên sử dụng đối tác trung gian để tiếp cận đối tác Hàn Quốc; quan hệ cá nhân đóng vai trò quyết định trong giao dịch, làm ăn với người Hàn, đó là vài điều mà doanh nhân Việt cần lưu ý.

Xưng hô, làm quen

Người Hàn Quốc rất để ý đến cách thức làm quen và xưng hô. Bạn không được sử dụng tên gọi của người Hàn Quốc trong xưng hô, lại càng không được bỏ qua những chức tước, phẩm hàm mà họ có. Không được bắt tay chặt quá, không nên tỏ ra vồn vã, thân thiện quá. Không nên tranh thủ cả những lúc nghỉ để trao đổi công việc.

Cạnh tranh

Giới lãnh đạo của công ty Hàn Quốc thường chỉ thích đề cập đến những vấn đề lớn, ý tưởng to tát, còn chuyện cụ thể thì để cho cấp dưới đảm nhận


Văn hóa cạnh tranh ở Hàn Quốc có khác so với ở các nơi khác. Vì thế, nếu muốn thiết lập quan hệ làm ăn với đối tác nào ở Hàn Quốc, bạn nên tìm hiểu và lưu ý thỏa đáng tới những đối thủ cạnh tranh của đối tác đó ở Hàn Quốc. Ở người Hàn Quốc, tình cảm và lý trí trong hợp tác kinh doanh không phải lúc nào cũng tách biệt được với nhau.

Trật tự quyền lực

Không chỉ trong công việc mà còn cả trong cuộc sống, trật tự quyền lực như một nguyên tắc luôn phải được coi trọng ở Hàn Quốc. Tôn ti trật tự, quan hệ cấp trên cấp dưới và công khai thể hiện điều đó được thực hiện như thể ở trong quân đội.

Đàm phán

Đối tác nước ngoài muốn tiếp xúc với đối tác Hàn Quốc nên sử dụng dịch vụ của trung gian môi giới. Tìm cách tiếp xúc trực tiếp với đối tác Hàn Quốc thường không đem lại kết quả gì. Người trung gian này có chức quyền hay địa vị xã hội càng cao thì càng có cơ hội tiếp xúc được với lãnh đạo cấp cao trong đối tác Hàn Quốc.

Trong đàm phán với người Hàn Quốc, mối quan hệ cá nhân đóng vai trò quyết định nhất chứ không phải danh tiếng của đối tác bởi câu hỏi mà người Hàn Quốc muốn được trả lời đầu tiên không phải là sản phẩm của bạn như thế nào, mà là: tôi có thể tin tưởng vào bạn hay không? Vì thế, lập luận khúc triết, logic hay chứng tỏ có phong cách đàm phán đặc thù, tỏ ra hiểu biết quá chi tiết về kỹ thuật…. đều không gây ấn tượng tích cực ở đối tác Hàn Quốc bởi giới lãnh đạo thường chỉ thích đề cập đến những vấn đề lớn, ý tưởng to tát, còn chuyện cụ thể, đi vào chi tiết thì để cho cấp dưới đảm nhận.

Thận trọng và cảnh giác trong đàm phán với người Hàn Quốc là chuyện không hề thừa. Người Hàn Quốc được tiếng là giữ chữ tín, nhưng họ cũng rất khôn ngoan và sành sỏi. Những hợp đồng được thỏa thuận và ký kết tuy quan trọng, nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Quá trình thực hiện cụ thể cũng là quá trình đàm phán và thỏa thuận tiếp về những chi tiết cụ thể của hợp đồng đã thỏa thuận.

Khi thấy đối tác Hàn Quốc gật đầu, bạn không nên chủ quan tin rằng đối tác đã hiểu hết những gì bạn vừa trình bày. Tốt nhất là bạn hãy nhắc lại những điểm quan trọng nhất và rồi đề nghị ghi chúng lại trong một biên bản làm việc.

Ăn uống

Sẽ là sai lầm lớn nếu vì công việc mà sao nhãng thời giấc bữa ăn đối với người Hàn Quốc. Kim chi, thịt nướng và uống rượu thường không thể thiếu sau những vòng đàm phán khô khan. Bạn sẽ làm cho đối tác Hàn Quốc thích thú nếu không hà tiện lời ca ngợi món kim chi. Người Hàn Quốc uống nhiều rượu, nhưng cũng không phật ý nếu bạn nói không uống được rượu, dù vậy, bạn vẫn nên để cho họ rót chút rượu vào cốc của bạn.

Việc mời đối tác đi ăn tiệc, ăn trưa hay ăn tối là chuyện thông lệ ở Hàn Quốc và được đánh giá cao, coi như sự thể hiện thiện chí muốn hợp tác với nhau, nhưng không phải để tiếp tục câu chuyện đang bàn bạc dở. Khi dự tiệc, chỉ uống rượu và nói chuyện vui thôi.

Ngoại ngữ

Khi đàm phán, giao thương với đối tác người Hàn Quốc có thể dùng tiếng Anh, đương nhiên nếu sử dụng được tiếng Hàn thì sẽ thuận lợi hơn nhiều. Tuyệt nhiên không được sử dụng tiếng Nhật Bản.

Danh thiếp

Danh thiếp là một phần không thể thiếu trong xây dựng quan hệ đối tác với người Hàn Quốc. Bạn nên chuẩn bị đầy đủ số lượng, tốt nhất là cả bằng tiếng Hàn, tuyệt đối không được ghi bằng tiếng Nhật. Người Hàn Quốc rất coi trọng các chức danh và tước hiệu, vì thế, bạn không nên quá khiêm nhường khi ghi các chức danh của bạn trên danh thiếp.

Nga


Trong doanh nghiệp Nga, người đứng đầu ít khi ủy quyền cho cấp dưới. Muốn đàm phán, phải làm trực tiếp với người này.

Tín ngưỡng

Khi tiếp khách là người Nga, bạn nên thận trọng với màu sắc trang trí của nơi đón tiếp. Người Nga có cách hiểu riêng về màu sắc và con số. Tốt nhất là sử dụng màu đỏ (đối với người Nga tượng trưng cho vẻ đẹp, sự phục sinh, tình yêu), xanh lá cây, xanh da trời, số 3, số 7 và số 12. Không được dùng màu đen và số 13. Sử dụng màu trắng cũng phải hết sức thận trọng vì người Nga cho rằng màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, trong trắng, nhưng đồng thời cho cả đau thương.

Khoảng cách

Đối với người Nga, khoảng cách riêng tư nhỏ hơn so với những người Châu Âu khác. Trong khi trao đổi có thể vỗ vai nhau hay nắm tay nhau, vì người Nga coi đó là sự thể hiện của tình thân thiện. Khi đã quen biết nhau lâu hơn - kể cả phụ nữ và nam giới - đều có thể ôm nhau hoặc hôn lên má để thể hiện tình thân.

Phụ nữ

Người Nga muốn phụ nữ không ăn vận hay trang điểm lòe loẹt và ăn nói giữ ý tứ. Nhiều khi chỉ cần gật đầu chào đối tác nữ người Nga là đủ, trong khi bắt tay đối tác nam giới chặt và lâu. Nhưng tập tục này đang có chiều hướng thay đổi vì ngày càng có nhiều phụ nữ Nga đảm nhận cương vị quản lý quan trọng.

Quà tặng

Có quà tặng nhau khi gặp gỡ là tập tục được đánh giá cao ở Nga. Người Nga không quên đối tác đã giúp họ như thế nào. Quan hệ càng thân thiết và càng lâu dài thì giá trị, mối liên hệ giữa món quà với cá nhân người tặng quà và mức độ tỷ mỷ khi chọn quà càng phải cao. Hoa luôn là món quà thích hợp, nhưng nhớ phải chọn số bông lẻ. Số bông chẵn chỉ được dùng để viếng tang. Hoa màu vàng và trắng còn có nghĩa liên tưởng tới đau thương và mất mát.

Trật tự quyền lực

Trong doanh nghiệp Nga, người đứng đầu ít khi ủy quyền cho cấp dưới. Vì thế, muốn đàm phán có kết quả thật sự, bạn nên tìm cách đàm phán trực tiếp với người đứng đầu này.

Hiểu biết về văn hóa Nga

Người Nga đọc nhiều và rất quan tâm đến kỹ thuật, khoa học tự nhiên, nghệ thuật, âm nhạc và văn học. Đối tác nào có thể trao đổi được với họ ở mặt bằng trí thức cao sẽ khiến người Nga nể phục. Bạn nên đọc các tác phẩm của Tolstoi, Puskin, Dostojevski.

Ngoại ngữ

Muốn làm ăn với người Nga, các đối tác nên phải biết tiếng Nga hoặc ít nhất phải có phiên dịch giỏi. Nhiều người Nga ứng xử giống như người Mỹ: nói ngôn ngữ của chúng tôi hoặc chẳng nói ngôn ngữ nào hết.

Chào hỏi, làm quen

Khi chào hỏi, làm quen nhau lần đầu tiên với người Nga, bạn không được tỏ ra quá thân thiện. Thái độ xuồng xã hoặc quá dí dỏm hay bị người Nga coi là “Mỹ quá”, thậm chí còn bị coi là yếu thế. Càng quen biết nhau hơn thì càng có thể tỏ thái độ thân mật hơn.

Xưng hô với người Nga bằng tên gọi của họ đi kèm với tên của người cha. Ví dụ, tên gọi của đối tác là Sergej, tên gọi của người cha là Oskar, thì gọi đối tác là Sergej Oskarovitsh. Các chức danh cấp cao thì mới sử dụng trong xưng hô, chẳng hạn như Tổng Giám đốc hay Bộ trưởng.

Chào hỏi - Đàm phán

Trong đàm phán với người Nga, bạn chỉ nên nhân nhượng khi “có đi, có lại”. Bạn hãy lập luận cho nhượng bộ của bạn bằng thiện cảm cá nhân với nước Nga và người Nga và mong muốn xây dựng quan hệ làm ăn lâu dài với Nga. Những đối tác nhượng bộ quá sớm sẽ bị coi là yếu thế, không được nể trọng, thậm chí nhiều khi còn bị coi thường. Nếu đối tác người Nga không kiềm chế được bản thân mình trong đàm phán thì bạn hãy tỏ ra tự tin và kiên quyết - nhưng không được để đối tác hiểu hay cảm nhận là bạn lên mặt dạy họ. Ngay cả khi đối tác bực tức đến mức đập bàn đập ghế thì bạn cũng không nên bối rối. Tính cách người Nga là như vậy - nhiều khi còn là thủ thuật.

Nhiều chuyện có thể giải quyết được với đối tác người Nga tại bữa ăn trưa và bữa ăn trưa ấy không nhất khoát cứ phải thịnh soạn. Nhưng nếu có cùng nhau ăn tối thì khi đó bạn không nên e dè và ngần ngại nữa. Đó chính là những cơ hội để quan hệ trở nên thân thiết và tin cậy nhau hơn.

Nói lời chúc rượu đầu tiên là việc của chủ nhà và khách đáp lại sau. Nội dung lời chúc rượu thường xoay quanh chủ đề tình bạn, cuộc sống hay vẻ đẹp của phụ nữ. Đương nhiên, ngợi khen chủ tiệc thì không khi nào sai và không thích hợp cả.

Ba Lan

Người Ba Lan rất hay đề cập đến lịch sử. Vì thế, khi làm quen cũng như khi trao đổi, đàm phán hợp đồng, bạn nên chú ý là nếu hiểu biết cặn kẽ lịch sử Ba Lan sẽ được đánh giá rất cao. Nhưng nếu không biết hoặc không chắc chắn thì chỉ nên lắng nghe, lại càng không nên bình luận gì.
Chào hỏi, làm quen


Khi xưng hô không được dùng tên họ của người Ba Lan vì người Ba Lan coi việc gọi bằng tên họ là bị hạ thấp, thể hiện sự cách biệt về xã hội và thậm chí cả khiêu khích. Đồng cấp với nhau chỉ được gọi Pan (ông) hay Pani (bà) và tên gọi. Nhưng không được quên gọi cùng với các chức vụ, tước vị của họ, tốt nhất là “làm tròn lên phía trên” chức vụ, cấp bậc hiện tại của họ.
Bạn nên đặc biệt thận trọng khi đề cập đến quan hệ giữa Ba Lan và Đức vì đây là chuyện rất nhạy cảm đối với người Ba Lan. Đối với các vấn đề thời sự liên quan đến Ba Lan cũng vậy.
Lịch sự và thể hiện sự tôn trọng là những điều luôn được người Ba Lan để ý đến. Bạn có thể hôn tay phụ nữ Ba Lan khi đón tiếp và tiễn. Đối với nam giới thì chỉ cần bắt tay nhau là đủ.


Mời
Giấy mời viết được sử dụng cho các dịp gặp gỡ chính thức, còn nếu cuộc gặp mang tính chất cá nhân thì chỉ cần mời trực tiếp hoặc qua điện thoại. Địa điểm cho những cuộc gặp gỡ đầu tiên không nhất thiết cứ phải sang trọng và đắt tiền mà chỉ cần tiện lợi, yên tĩnh và lịch sự. Thường là người mời đặt bàn riêng, ở góc tĩnh lặng, cách xa cửa ra vào. Vị khách được dành cho chỗ ngồi có thể quan sát được cả nhà hàng. Tuyệt đối không được để vị khách ngồi đối diện với bức tường.


Quà tặng
Bạn không nên quên tặng hoa cho phụ nữ. Sau khi đến dự tiệc ở nhà riêng, không phải làm ngay nhưng cũng không nên để lâu quá, bạn nên gửi tới bà chủ nhà một bó hoa kèm bưu thiếp để nói lời cám ơn. Quà tặng được người Ba Lan đánh giá cao nếu như chúng có liên quan tới lịch sử và văn hóa đất nước bạn.


Đàm phán
Đàm phán với người Ba Lan không đơn giản và dễ dàng, thường bắt đầu về những chủ đề chung chung, sau đó mới đi vào chủ đề, nội dung chính. Bạn nên nhớ phải xưng hô cho đúng, với đầy đủ chức vụ và tước hiệu của người Ba Lan. Đối tác Ba Lan thường không thích bạn kiên quyết yêu cầu ghi nhận kết quả đàm phán bằng văn bản, coi sự đồng thuận trên cơ sở tin cậy lẫn nhau quan trọng hơn cả các hình thức đảm bảo bằng văn bản pháp lý.
Đối với người Ba Lan, hợp đồng được đàm phán và thỏa thuận chỉ là được coi là sự khởi đầu của mối quan hệ hợp tác, cho nên trong quá trình làm việc có những đề nghị thay đổi, bổ sung hợp đồng là chuyện thường. Bạn không được coi đó là “vi phạm hợp đồng”.


Phê phán
Bạn nên rất thận trọng với mọi nhận xét mang tính phê phán về đất nước và con người Ba Lan. Nếu muốn phê trách gì thì chỉ nên có mức độ và phải có lập luận thuyết phục. Người nước ngoài đã sống nhiều năm ở Ba Lan hay nhiều lần tới Ba Lan thường được nể trọng, được tham khảo ý kiến và được dành thiện cảm.


Ngôn ngữ
Tiếng Ba Lan là ngôn ngữ rất khó học. Vì thế người Ba Lan đánh giá rất cao những ai có thể nói và hiểu được ngôn ngữ của họ. Thậm chí nếu bạn thể hiện là có ý muốn và quyết tâm cũng như đã rất cố gắng để học tiếng Ba Lan cũng đã đủ để được người Ba Lan cho điểm cao. Chỉ thế hệ doanh nhân trẻ ở Ba Lan thông thạo tiếng Anh. Vì thế, bạn nên chuẩn bị chu đáo từ trước về ngôn ngữ khi làm việc với người Ba Lan.


Trang phục và phong cách
Người Ba Lan rất để ý đến trang phục và phong cách của đối tác. Trừ khi được mời về nhà riêng với mục đích cụ thể là “dự bữa tiệc thịt nướng”, còn trong tất cả các dịp khác, từ đàm phán đến tiệc, bạn nên ăn vận lịch sự và sang trọng.
Khi nói chuyện hay trao đổi công việc với người Ba Lan, bạn không nên tỏ ra quá thân thiện và hồ hởi, người Ba Lan sẽ coi đó là tự cao tự đại, ngạo mạn. Bạn phải chú ý giữ khoảng cách, kiềm chế trong phát ngôn, luôn tạo ấn tượng lắng nghe đối tác nói. Có thiện cảm hay không là nhân tố quan trọng nhất trong quyết định của người Ba Lan có hợp tác với bạn hay không.


Thời gian
Thời gian là khái niệm co giãn đối với người Ba Lan. Để làm ăn được với người Ba Lan, bạn cần dự trù nhiều thời gian. Chuyện làm ngoài giờ đối với người Ba Lan là bình thường. Vì thế, người Ba Lan sẽ thấy khó chịu khi bị nhắc nhở về thời gian hoặc khi thấy bạn thường xuyên liếc nhìn đồng hồ. Người Ba Lan coi trọng hẹn đúng giờ, chấp nhận khách đến muộn, nhưng khi đó vị khách nên có lý do xác đáng, chẳng hạn như tắc đường, cấm đường…


Thể thao
Tennis và golf, sau đó là cưỡi ngựa và câu cá là những môn thể thao mà giới doanh nhân Ba Lan rất coi trọng, mùa đông cùng tắm hơi nóng và vào quán rượu. Nếu bạn cũng biết chơi những môn thể thao này và cùng làm việc đó thì chắc chắn công chuyện làm ăn của bạn với người Ba Lan dễ dàng hơn nhiều.

Mỹ

Xưng hô

Trong giao tiếp không nên dùng “Miss” đối với phụ nữ mà dùng “Madam” và dùng “Sir” đối với nam giới. Người Mỹ rất hay tự giới thiệu mình bằng tên gọi, khi đó thì cũng nên gọi họ bằng tên ấy - điều này có khác so với tập tục ở Châu Âu. Nếu khó phát âm tên gọi của người Mỹ thì bạn nên chủ động hỏi trực tiếp để tránh phát âm sai. Học vị “Tiến sỹ” thường chỉ được gọi cùng với tên các nhà khoa học hay bác sỹ, đối với những diện khác thì nên hạn chế, vì vậy các vị tiến sỹ nên chuẩn bị sẵn hai loại danh thiếp - có và không có học vị Tiến sỹ.

Chào hỏi

Câu chào hỏi cửa miệng là “How are you?” và câu trả lời thường chỉ “I am fine, thank you” là đủ, không bao giờ được kể lể cụ thể thêm về tình trạng sức khỏe của mình. Bắt tay phải chặt, nhưng ngắn. Những lời khen, tán thưởng khi chào hỏi rất quan trọng đối với người Mỹ. Khi chào hỏi không nên phàn nàn về bất cứ cái gì. Thể hiện tâm trạng vui vẻ, cái nhìn tích cực dễ được người Mỹ chấp nhận hơn.

Lời khen

Xin đừng khi nào bình luận về diện mạo bề ngoài của một con người, cả với ý khen lẫn chê. Tốt nhất là khen về thành tích chuyên môn, tinh thần hợp tác của đối tác.

Trao danh thiếp

Bạn đừng là người đầu tiên trao danh thiếp. Trước tiên, bạn hãy hỏi xin danh thiếp của người đó. Nếu người này nói rằng vừa mới hết danh thiếp thì có nghĩa là không muốn tiếp xúc với bạn nữa, cuộc gặp chỉ là phép lịch sự thông thường. Những ai vượt quá giới hạn ấy thì bạn hãy trao danh thiếp. Danh thiếp không nên quá cỡ và trang trí cầu kỳ.

Khu vực riêng tư

Người Mỹ rất để ý đến khu vực riêng tư vì rất tránh tiếp xúc trực tiếp ngoài cái bắt tay. Nam giới thỉnh thoảng vỗ vai nhau, còn phụ nữ ôm hờ lấy nhau. Nhưng ngay đến cả những cử chỉ ấy cũng rất hiếm và thường chỉ giữa những đối tác rất quen biết nhau, lại trong bầu không khí thoải mái. Ở nước Mỹ, 60 cm là khoảng cách tối thiểu của khu vực riêng tư.

Tính chính xác, đúng giờ

Bạn hãy đến nơi hẹn đúng giờ, kể cả khi người Mỹ không như vậy vì không thiếu lý do để chậm trễ. Nhưng mặt khác, bạn không bao giờ được đến quá sớm vì như thế sẽ bị coi là rất bất lịch sự, đặc biệt khi được mời dự các cuộc mang tính cá nhân.

Làm quen

Khi làm quen, xin bạn nhớ là đừng bao giờ có lời phê phán Tổng thống Mỹ và hãy tránh bàn về các chủ đề chính trị và cũng đừng để bị lôi kéo vào cuộc tranh luận về các chủ đề chính trị. Hãy có lời khen ngợi chung chung. Những chủ đề khác nên tránh bàn luận khi làm quen là tôn giáo, sắc tộc và tình dục. Khi nói hay thuyết trình về bóng đá thì hãy cẩn thận vì ở Mỹ có nhiều loại bóng đá khác nhau.

Cuộc hẹn buổi tối

Người Mỹ không ngại làm việc quá giờ chiều, nhưng đối tác không nên hẹn gặp làm việc với người Mỹ vào buổi tối bởi họ thích và thường nhanh chóng về nhà với gia đình ngay. Những cuộc hẹn vào buổi tối thường mang tính chất không chính thức.

Đồ uống có cồn

Nên hạn chế uống rượu - kể cả buổi tối - trong khi làm việc với người Mỹ. Trong bữa ăn trưa thậm chí lại càng không nên. Đồ uống thích hợp trong mọi trường hợp là trà.

Cảm ơn

Nên sử dụng câu “cảm ơn” một cách rộng rãi, không nên để sót ai có đóng góp, có tham gia vào kết quả của hoạt động hay hội nghị. Nếu họp diện hẹp thì nên giới thiệu từng thành viên tham dự, dùng vài câu vắn tắt để trình bày cho những thành viên tham dự khác biết về đóng góp, thành tích của người đó hoặc nhiệm vụ, công việc sắp tới của người ấy.

Trang phục

Ngày nay, ở đại đa số địa phương và trong đại đa số ngành nghề ở Mỹ không đòi hỏi trang phục cầu kỳ hay cổ điển. Trong các cuộc trao đổi kinh doanh: thường chỉ đờ-mi là đủ, thậm chí không cần đến cả cravat. Trong trường hợp không chắc chắn hay không thật tự tin thì nên ăn vận trang nghiêm hơn là quá xuồng xĩnh bởi khi cần có thể cở bỏ dần áo khoác ngoài và cravat. Nguyên tắc bất thành văn là: đối với nam giới không nhất thiết phải có cravat, nhưng đối với phụ nữ nhất thiết không nên để hở hang quá. Người Mỹ không những không tán thưởng mà thậm chí còn lấy làm khó chịu.

Mời mọc

Nếu được mời đến thăm nhà riêng, bạn không nên ở đó quá 3 giờ đồng hồ. Hãy nhớ mua hoa đem theo và đừng quên một chai rượu vang ngon mà bạn biết rõ về vùng đất trồng ra thứ nho làm nên chai rượu vang đó vì giới thiệu ngắn về vùng đất này là chủ đề rất thích hợp để bạn xóa bỏ được khoảng cách e ngại ban đầu. Hôm sau, bạn không được quên việc gửi lá thiếp đến cảm ơn về lời mời về thăm nhà.

Cách ăn tiệc

Nhiều người Mỹ thường cắt thịt hay cá thành từng miếng nhỏ vừa miệng, sau đó dùng tay phải để ăn, còn tay trái thể để ngang bụng. Nhưng nếu dùng cả hai tay sử dụng dao và dĩa khi ăn thì cũng không sao.

Hội nghị, gặp gỡ, tiệc tùng

Tại những buổi tiệc đứng, bạn nên đi một vòng để làm quen. Việc tự giới thiệu mình với người hoàn toàn xa lạ là chuyện hoàn toàn bình thường, sau đó nhập vào một nhóm và tìm cách hướng nhóm đó vào chủ đề của mình. Những câu hỏi thường được sử dụng: ông/bà từ đâu đến, làm gì, làm cho ai… Người Mỹ không coi những câu hỏi và cách ứng xử như vậy là thô thiển mà coi là để làm quen và tiếp xúc. Xin bạn đừng ngạc nhiên khi thấy đối tác người Mỹ của mình chỉ sau vài phút đã bỏ bạn ở lại và đi mất: người này cũng đi một vòng làm quen như bạn thôi.

Phê phán, chỉ trích

Người Mỹ không thích bị phê phán thẳng thừng và trực diện, kể cả khi thành tích của họ ở dưới mức trung bình. Bạn hay diễn tả theo cách để họ hiểu là họ đã làm hết khả năng của mình, hay khen ngợi những tiến bộ và thành tích nhỏ, hãy tìm cách che đậy những nhận xét mang tính phê phán của bạn một cách khéo léo, chẳng hạn như: “Thật tuyệt, nhưng lần sau chắc chắn chúng ta còn tuyệt hơn”.

Hungari

Người Việt ta vẫn có câu: “Nhập gia, tùy tục”. Trong giao thương quốc tế, nếu không nắm được “tục” thì khó có thể “nhập gia” một cách thành công được. Khi tiếp xúc và làm việc với người Hungari, câu ngạn ngữ đó càng cần phải được học “nằm lòng”

Chào hỏi, làm quen
Người Hungari bị coi là “khách sáo” hơn so với những chủng tộc người khác ở Châu Âu. Cho nên khi gặp nhau làm quen, người Hungari có tập tục khẽ cúi người, nhún mình. Nhưng không có chuyện hôn tay phụ nữ, nếu có thì chỉ trong những dịp rất đặc biệt. Thái độ và cách ứng xử lịch sự được người Hungari coi như sự biểu hiện của “thân thế đàng hoàng”. Người Hungari rất nhạy cảm trước các cử chỉ hay biểu hiện thái độ thiếu lịch sự. Họ thường coi đó là sự xúc phạm. Danh thiếp thường được trao ở cuối cuộc gặp. Nam giới có thể chủ động bắt tay nhau, nhưng đối với phụ nữ thì nam giới không được chìa tay ra trước mà chỉ được luôn sẵn sàng để đón bắt tay người phụ nữ. Nhưng phụ nữ Hungari rất ít khi chủ động làm như vậy. Khi xưng hô, bạn không được quên chức vụ, tước hiệu, học hàm học vị của đối tác người Hungari.

Quà tặng
Khi làm việc với đối tác người Hungari, bạn đừng quên đem theo một vài món quà tặng nhỏ, không nhất thiết phải đắt tiền, nhưng rất nên có. Người Hungari coi đó là biểu hiện về sự quan tâm của khách dành cho chủ nhà. Quà tặng nên là chút gì đó có liên quan đến quê hương bạn, một đặc sản quê hương chẳng hạn. Một thứ đồ uống hay một món quà có mối liên hệ nhất định với người được tặng quà cũng rất thích hợp.

Đàm phán
Lần gặp gỡ đầu tiên thường được đối tác Hungari tiến hành ở trụ sở của họ, sau đó là mời đi ăn “để tiếp tục câu chuyện”. Làm như vậy rất có lợi cho công việc, nhưng sẽ mất thêm thời gian. Vì thế, bạn phải chú ý để không bị lỡ cuộc hẹn tiếp theo.
Trong trao đổi, người Hungari không thích bị gò bó trong một chương trình nghị sự cố định hay trong các quy định chặt chẽ. Họ thường để cho khách trình bày trước, sau đó mới trình bày ý kiến của mình.

Ngôn ngữ
Tiếng Hungari rất khó và vì thế người Hungari đánh giá rất cao những đối tác thành thạo hoặc có thể sử dụng được tiếng Hungari. Thành thạo ngôn ngữ này là thế mạnh rất giá trị đối với những ai muốn hợp tác làm ăn với người Hungari. Nhưng xem ra ở đâu trên thế giới này mà chẳng như vậy.

Trang phục và phong cách
Tập tục về trang phục của người Hungari khá quy củ, nhưng người Hungari lại không khắt khe đối với khách nước ngoài, cho dù họ lại hay đàm tiếu về trang phục của đối tác nước ngoài. Chẳng hạn như, nếu là nam giới tới gặp đối tác người Hungari, bạn không nên mặc áo sơ mi màu xanh da trời mà lại thắt chiếc cravat sặc sỡ. Nếu là phụ nữ, bạn nên mặc váy chứ không nên vận quần âu. Phụ nữ người Hungari thường ăn vận rất thời trang và bắt mắt. Phụ nữ người nước ngoài đến gặp họ không nên cạnh tranh với họ về trang phục.
Người Hungari rất hay kết hợp cử chỉ, động tác với lời nói, biểu thị tình cảm và nhấn mạnh sự biểu thị đó bằng cử chỉ, coi đó là biểu hiện của sự tự tin và đối xử bình đẳng. Đối tác nước ngoài nên rất kiềm chế khi tranh luận với người Hungari về những vấn đề nội bộ nhạy cảm của họ. Tốt nhất là đừng phát biểu quan điểm riêng của mình.
Người Hungari đánh giá rất cao những đối tác nước ngoài bên cạnh chuyện làm ăn còn thể hiện sự quan tâm thực sự tới lịch sử, văn hóa, truyền thống và tập tục của họ. Bạn nên tìm hiểu để biết về những nhân vật lịch sử và những thành tựu mà người Hungari rất tự hào như chiếc máy bay lên thẳng do Oszkar Asboth làm ra, chiếc bút bi do Lalo Josef Biro làm ra….

Thời gian
Người Hungari đặc biệt coi trọng tính đúng giờ. Bạn nên đến các cuộc hẹn với đối tác người Hungari sớm 5 phút còn hơn là chậm 5 phút. Người Hungari coi đó là lịch sự tối thiểu. Nếu bạn đến muộn, họ coi là thiếu tôn trọng cá nhân họ hoặc cương vị của họ. Nhưng ngoài phạm vi công việc thì việc đến muộn - nhưng không được nhiều - cũng có thể được chấp nhận.

Mời
Ở Hungari, mời khách ăm cơm ở nhà hàng là hình thức rất thông dụng và phổ biến. Người mời thanh toán tiền và nên làm việc đó một cách kín đáo, thường chủ động xin lỗi khách đi ra ngoài để làm việc đó chứ không để đưa hóa đơn thanh toán đến bàn. Tiền típ là 10%.

Séc

Trong lần đàm phán đầu tiên, đối tác người Séc thường không đưa ra kế hoạch, dự án hay dự thảo thỏa thuận hoàn chỉnh, mà thường chỉ bao hàm những nội dung chính hay nguyên tắc cơ bản. Các chi tiết cụ thể thường được đàm phán và thỏa thuận dần. Vì thế, họ cũng không thích đối tác của họ trình bày hay kiến nghị văn bản được chuẩn bị đến mức có thể ký kết được ngay.

Chào hỏi, làm quen
Xin chú ý: quan hệ cá nhân trong công việc đối với người Séc không đồng nghĩa với tình bạn hữu. Vì thế, việc duy trì quan hệ sau khi làm quen rất quan trọng và cần thiết cho hợp tác với người Séc. Khi xưng hô nên chú ý xưng cả chức vụ, học hàm và học vị của đối tác người Séc và có thể chỉ dùng những tước hiệu đó thay cho tên gọi. Không được chỉ gọi tên mà phải luôn có đại từ Ông hoặc Bà trước đó. Càng ở xa thủ đô Praha, ở địa phương càng nhỏ, cơ cấu tổ của chức doanh nghiệp phân biệt đẳng cấp càng rõ và đối tác càng cao tuổi thì việc xưng hô với chức vụ, học hàm học vị càng quan trọng.
Trong giao tiếp với người Séc, bạn nên rất thận trọng với những cử chỉ hay động tác. Khi trình bày, nên hạn chế đến mức tối thiểu các động tác tay. Không được nắm tay, vỗ vai, thể hiện xuồng xã với người Séc. Bạn nên nói “Séc là quốc gia ở Trung Âu” hơn là nói “Séc là quốc gia ở Đông Âu”.

Lịch sự đối với phụ nữ
Người Séc rất coi trọng và hay thể hiện cử chỉ lịch sự đối với phụ nữ như mở cửa cho phụ nữ bước vào, nhường đường cho phụ nữ đi, giúp phụ nữ cởi áo choàng, mặc áo choàng bên ngoài.

Lời mời
Sau khi làm quen và đã trao đổi công việc, bạn có thể mời đối tác người Séc dự cơm trưa hoặc tối. Địa điểm không nhất thiết cứ phải sang trọng nhất. Nếu muốn gặp các cơ quan chính quyền Séc, bạn nên có thư hoặc gửi E-mail xin gặp, trình bày rõ yêu cầu.

Đồ uống, đồ ăn
Trong các bữa ăn làm việc không bắt buộc uống rượu, thường uống chút ít bia hoặc rượu vang hay đồ uống không có cồn. Bữa tiệc trong khuôn khổ lần gặp đầu tiên thường có lời chúc rượu dài từ phía người Séc và họ cũng mong đợi bạn có lời chúc lại. Quy định về chỗ ngồi khá chặt chẽ. Cho tiền tip khá phổ biến ở Séc và thường ở mức độ bằng 10% giá trị hóa đơn.

Quà tặng
Bạn không được phép quên gửi thiếp chúc mừng tới đối tác người Séc nhân dịp năm mới và sinh nhât. Khi đã thiết lập được mối quan hệ thì rất nên có những món quà tặng nhỏ. Người Séc cũng thường tặng quà như vậy. Quà tặng không nhất thiết phải đắt tiền mà nên biểu trưng cho quê hương của bạn hay sản phẩm của doanh nghiệp bạn.

Đàm phán
Cuộc gặp đầu tiên với đối tác Séc thường ở trụ sở của đối tác ấy, sau đó mới gặp ở những nơi khác. Khi tiếp xúc với người nước ngoài, người Séc lúc đầu thường chủ ý giữ khoảng cách và để khách chủ động trình bày, đề cập. Để tạo không khí thoải mái hơn, bạn nên tỏ ra quan tâm tìm hiểu tới đất nước Séc, trình bày về doanh nghiệp của bạn, tình hình kinh tế đất nước bạn và tìm hiểu về kiến trúc, danh lam thắng cảnh, ẩm thực của Séc. Bạn không nên tiết kiệm lời ca ngợi đất nước, con người, văn hóa và truyền thống Séc. Không nên nói về bản thân mình quá nhiều vì người Séc dễ hiểu nhầm đó là sự thể hiện tính ngạo mạn, tự cao tự đại của khách.
Bạn nên cố gắng tạo bầu không khí thoải mái, cởi mở và đặc biệt là bình đẳng. Người Séc sẽ tin cậy bạn nếu bạn thể hiện không chỉ là đại diện cho công ty, cho người bán hàng hay người đặt hàng, mà đơn giản là con người với nhau.
Trong lần đàm phán đầu tiên, đối tác người Séc thường không đưa ra kế hoạch, dự án hay dự thảo thỏa thuận hoàn chỉnh, mà thường chỉ bao hàm những nội dung chính hay nguyên tắc cơ bản. Các chi tiết cụ thể thường được đàm phán và thỏa thuận dần. Vì thế, họ cũng không thích đối tác của họ trình bày hay kiến nghị văn bản được chuẩn bị đến mức có thể ký kết được ngay.

Phê phán
Phê phán trực diện, thậm chí cả trao đổi thắng thắn về các vấn đề hợp tác liên quan nhiều khi bị người Séc coi là bới móc, nhằm vào cá nhân, làm mất thể diện, vì thế bạn nên hết sức tránh. Trong giao tiếp, người Séc thường thích lập luận, đề cập gián tiếp, so sánh. Để ý xem xét cả bối cảnh chung, ẩn ý và cả những gì không được đối tác nói thẳng ra.

Ngôn ngữ
Người Séc đánh giá rất cao những đối tác thông thạo tiếng Séc hoặc chứng tỏ biết chút ít tiếng Séc. Họ coi đó là sự thể hiện mức độ quan tâm đến hợp tác làm ăn lâu dài với Séc. Nếu bạn không tự tin đủ mức trong làm chủ về ngôn ngữ, bạn nên sử dụng phiên dịch tiếng Séc cho lần gặp đầu tiên.

Trang phục và phong cách
Bạn nên trang phục đúng mức, lịch sự nhưng tránh ăn mặc sang trọng quá mức.

Thời gian
Tầng lớp lãnh đạo có thể làm việc cả tuần, nhưng thông lệ không nên hẹn làm việc vào chiều ngày Thứ sáu hoặc cuối tuần. Người Séc thường dành thời gian cuối tuần cho gia đình và thể thao.
Người Séc cũng rất coi trọng sự đúng giờ. Các buổi làm việc thường bắt đầu đúng giờ, dung sai một đến hai phút. Nhưng bạn cũng nên rộng lượng nếu đối tác đến muộn mười phút, nhất là khi lại chủ động có hình thức xin lỗi bằng phân trần về chậm tàu xe, tắc đường hay không có chỗ đỗ ô tô.

Ả Rập

Nếu như thế giới Ả Rập nổi tiếng với những điều huyền bí thì trong làm ăn, kinh doanh người Ả Rập cũng không kém phần như vậy. Doanh nhân Việt Nam cần phải nắm được một số bí quyết để có thể thành công trong làm ăn với họ.

Chào hỏi, làm quen
Người Ả rập rất coi trọng nghi lễ và thường xét nét tất cả những biểu hiện bề ngoài. Vì thế, người nước ngoài khi chào hỏi hay làm quen với người Ả rập nên rất thận trọng và cần hành xử theo phương châm: nếu hiểu biết chắc chắn phong tục tập quán của họ thì hãy biểu hiện ra ngoài, còn nếu không thì tốt nhất nên kiềm chế bày tỏ thái độ. Sự rụt rè, e ngại khi giao tiếp, làm quen thậm chí còn được người Ả rập coi là chín chắn và tôn trọng chủ nhà.
Trong quan hệ với người Ả rập, phải nên rất kiên nhẫn và xác định là phải gây dựng mối quan hệ rất bài bản, từng bước một, có nghĩa là phải tính dài hơi. Trong thế giới Ả rập có câu ngạn ngữ: “Người Ả rập phát minh ra thời gian, còn người Châu Âu làm ra cái đồng hồ”.

Đàm phán
Đàm phán với người Ả rập thường mất rất nhiều thời gian, có thể gọi đàm phán với họ là mặc cả thực sự, đòi hỏi bạn phải có khả năng đóng kịch cao, biết kết hợp cả đóng kịch để dọa dẫm và tranh thủ, bi kịch hóa phi vụ làm ăn và nhượng bộ đúng lúc sao cho đối tác người Ả rập cứ tưởng vì họ mặc cả mà bạn phải xuống thang đến như vậy.
Hầu như không có chuyện bạn đàm phán chỉ một lần là đã thành công trong làm ăn với người Ả rập. Thường cũng phải vài ba bận. Người Ả rập sẽ không làm ăn với bạn nếu chỉ thấy bạn đề cập đến chuyện làm ăn có một lần rồi chờ đợi. Bạn nên thường xuyên liên hệ, trao đổi, đề nghị và tỏ ý sẵn sàng trao đổi tiếp để đối tác người Ả rập tin rằng bạn rất quan tâm và rất thật lòng với phi vụ làm ăn với họ. Nhiều khi chỉ một món quà tặng nhỏ hay một nhượng bộ rất nhỏ của bạn cũng đủ để làm cho đàm phán làm ăn với người Ả rập thành công.
Trong đàm phán cũng như khi hợp tác với người Ả rập, bạn không được tỏ ra hào phóng. Đàm phán với người Ả rập giống hệt như chơi bài Poker. Nếu nhượng bộ, bạn hãy tỏ ra rất đau đớn khi phải nhượng bộ, đặt ào ào điều kiện để nhượng bộ và nhượng bộ rất từ từ.
Khi cần nêu đối tác của bạn để chứng minh cho đối tác người Ả rập thấy khả năng của bạn, chú ý đừng nêu ra những đối tác liên quan đến những sản phẩm bị coi là cấm kỵ trong thế giới Ả rập, chẳng hạn như nhà máy bia hay sản xuất rượu. Phản tác dụng đấy vì đó là những thứ bị cấm ở các nước Ả rập.

Ngôn ngữ
Doanh nhân người Ả rập hiện tại đa phần có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo, nhưng đương nhiên bạn sẽ nhanh chóng chinh phục được trái tim và lý trí của họ nếu bạn biết tiếng Ả rập.

Trang phục và phong cách
Hiếm ở đâu mà trang phục và phong cách phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như trong thế giới Ả rập. Bạn nên lựa chọn trang phục lịch sự, chớ nên nhiều màu mè sặc sỡ, chớ có phát biểu, bình phẩm hay sử dụng những gì liên quan đến tôn giáo mà người Ả rập có thể hiểu nhầm là phỉ báng tôn giáo của họ hay đề cao tôn giáo khác trước tôn giáo của họ. Phụ nữ phải vận váy dài quá gối hoặc mặc quần, áo cũng không được hở hang quá. Khoe dáng vóc và màu da trước đối tác người Ả rập thường phản tác dụng nhiều hơn là có tác dụng.

Thời gian
Người Ả rập đòi hỏi đối tác hẹn đến làm việc đúng giờ, nhưng trong làm việc lại thường không có khái niệm về thời gian mà tùy hứng kéo dài hay kết thúc sớm. Họ cũng không thích thú gì khi thấy bạn có biểu hiện sốt ruột hay lo lắng cho cuộc hẹn tới. Họ muốn chứng tỏ họ làm chủ về thời gian chứ không phải chịu áp lực về thời gian do đối tác gây ra. Bạn nên chú ý điều này khi lên lịch làm việc với các đối tác người Ả rập.

Mời
Khi được mời về nhà, bạn không nên ngạc nhiên khi thấy có sự tách biệt riêng giữa các quý ông với các quý bà. Lần mời đầu tiên thường thuần túy là xã giao, hầu như không đả động gì đến công chuyện làm ăn, mà phải đợi đến lần thứ hai hoặc thứ ba.














 Cách chào hỏi của 1 số nước trên thế giới. Tt07-610  Cách chào hỏi của 1 số nước trên thế giới. Tt09-410

Về Đầu Trang Go down

Cách chào hỏi của 1 số nước trên thế giới.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Trang 1 trong tổng số 1 trang

* * Không sử dụng ngôn từ thiếu văn hóa.* Bài viết sưu tầm nên ghi rõ nguồn hoặc viết (ST).* Tránh spam nhảm những chủ đề không liên quan.* Bấm nút nằm bên góc phải nếu gặp vấn đề khi chèn hình vui.* Nếu thấy bài viết hay hoặc bổ ích, bấm nút để khích lệ người viết.Yêu cầu viết tiếng Việt có dấu trên toàn bộ diễn đàn.
Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
[A9]Zone™ THPT Bà Điểm :: Cuộc Sống :: Tâm Hồn-

 Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục

-
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất
http://thegioitinhban.co.cc/m